Bí thư chi bộ tiên phong làm giàu trên đất khó
23/11/2021 - 10:53

TĐKT - Từ một nông hộ nghèo tại xã miền núi 30a của huyện vùng cao Yên Bái, bằng ý chí, nghị lực và tinh thần tiên phong của đảng viên, gia đình anh Thào A Phổng, Bí thư chi bộ bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, góp sức xây dựng quê hương.

Anh Thào A Phổng (thứ hai từ phải sang) giới thiệu mô hình trồng hồng giòn không hạt của gia đình.

“Là đảng viên và tham gia sinh hoạt tại chi bộ bản Hua Khắt, giữ chức vụ Bí thư chi bộ, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp chính quyền, tôi đã được hỗ trợ tiếp cận một số chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển kinh tế, được tham quan học tập kinh nghiệm nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trong huyện và trong tỉnh. Bên cạnh đó, tôi còn có cơ hội được tham gia các lớp đào tạo nghề, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, trâu, bò.... Đây chính là nền tảng quan trọng để thúc đẩy tôi và gia đình mạnh dạn đầu tư vốn mở trang trại chăn nuôi tổng hợp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.” – Anh Phổng cho biết.

Năm 2013, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái hỗ trợ 150 gốc hồng giòn, với ý thức vươn lên phấn đấu xóa đói, giảm nghèo, anh và gia đình đã tiến hành trồng thử nghiệm trên diện tích 4.000 m2 đất nương bạc màu. Đây là giống hồng ăn liền không hạt, quả giòn, ngọt, thơm ngon, mẫu mã đẹp, có nguồn gốc từ hồng giòn Fuyu nhập nội từ Nhật Bản.Giống hồng này có khả năng chống chịu thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở huyện vùng cao Mù Cang Chải. Thời gian chín sinh lý kéo dài (khoảng 25 - 40 ngày); quả chín già trên cây có thể ăn ngay mà không cần ngâm hoặc giấm như các giống hồng khác, thời gian để lâu, do vậy rất phù hợp với tập quán của người nông dân, thuận tiện cho chế biến xuất khẩu dưới dạng sấy khô.

Với nhiều cố gắng và công sức miệt mài chăm sóc, kết quả đã không phụ lòng người. Đến năm 2015, cây hồng cho thu hoạch lứa đầu tiên với hiệu quả kinh tế bước đầu khả quan. Năm 2018, cây hồng mang lại cho gia đình anh thu nhập khoảng 50 triệu đồng và năm 2019 đạt khoảng 85 triệu đồng.

Đi đôi với việc trồng thử nghiệm cây hồng, năm 2016, anh Phổng cũng triển khai mô hình nuôi lợn rừng. Anh đã đăng ký và được lựa chọn tham gia cuộc thi chung kết “Điểm sáng CIG vươn lên thoát nghèo” tại tỉnh Yên Bái và giành được giải nhì của cuộc thi với mô hình “nuôi lợn rừng” (giống lợn thái Lan). Với suy nghĩ phải luôn luôn cố gắng và không dừng lại ở đó, năm 2018, được đi tham quan học tập các mô hình phát triển kinh tế ở nhiều nơi, anh đã mạnh dạn đầu tư toàn bộ 120 triệu đồng tiền thưởng của cuộc thi để mua 11 con lợn rừng giống, nhằm thực hiện chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả.

Mô hình nuôi lợn rừng của anh Thào A Phổng

Đến cuối năm 2018, đàn lợn của gia đình đã sinh sản, cho xuất chuồng được 15 con, đem lại thu nhập trên 45 triệu đồng, năm 2019 tiếp tục sinh sản thêm 9 đàn lợn con với tổng số trên 70 con, xuất chuồng đem lại thu nhập cho gia đình trên 160 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, đàn lợn của anh đã có trên 80 con, xuất chuồng được 15 con, thu nhập trên 52 triệu đồng.

Đến nay, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định và từng bước làm giàu, số vốn hiện có đạt trên 300 triệu đồng. Ngoài nuôi lợn rừng, hiện nay gia đình anh còn nuôi thêm 2 con trâu đực, trên 200 con gà địa phương, cải tạo 4.000 m2 đất vườn để trồng cây ăn quả, 1 ha trồng cây sơn tra, 2 ha trồng lúa, 1 ha trồng ngô…

Với cương vị của một bí thư chi bộ, một người đảng viên, anh Phổng luôn trăn trở và suy nghĩ mình cần có trách nhiệm giúp đỡ bà con nhân dân trong bản, trong xã cùng nhau phát triển kinh tế để góp phần xóa đói, giảm nghèo. Anh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ về giống, vốn cho các hộ trong bản. Mô hình sản xuất của anh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương bình quân đạt 4 triệu đồng mỗi tháng.

Anh cho biết: “Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trang trại, mua thêm lợn giống có chất lượng tốt, cũng như nuôi thêm gà địa phương, trâu, trồng thêm nhiều cây ăn quả khác, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con nhân dân trong bản.”

Từ thực tiễn xây dựng mô hình, anh mong rằng chính quyền địa phương sẽ có thêm nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, giúp người nông dân có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng; có chính sách ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến để tiêu thụ các sản phẩm cho nông dân thay vì phụ thuộc nhiều vào thương lái như hiện nay.

Nguyệt Hà