Chiều 2/8, tại trụ sở các cơ quan Quốc hội, với sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban Xã hội đã họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi).
Phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi)
Dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; các Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, một số bộ, ngành liên quan.
Trình bày Tờ trình dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau 17 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thi đua khen thưởng; Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; đồng thời, thực hiện phân cấp về thẩm quyền khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng cho các bộ, ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương và cấp cơ sở nhằm giải quyết các hạn chế, vướng mắc về thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục khen thưởng. Việc sửa đổi, bổ sung Luật còn nhằm tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị, tạo động lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương và của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật có 8 chương và 100 điều, trong đó, bổ sung danh hiệu thi đua “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu”; bổ sung thẩm quyền của “người đứng đầu” cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động, chỉ đạo phong trào thi đua; bổ sung quy định về trách nhiệm phát hiện, tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động phong trào thi đua; quy định cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp; bổ sung hình thức khen thưởng huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang; bỏ đối tượng xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” đối với “nhạc sĩ“ và “phát thanh viên”…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy thay mặt Nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban trình bày một số vấn đề lớn của dự án Luật
Trình bày báo cáo của Nhóm Nghiên cứu Ủy ban Xã hội về dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng được ban hành năm 2003, đến nay đã qua 2 lần sửa đổi vào các năm 2005 và 2013. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Theo chương trình, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Ba.
Về quan điểm chỉ đạo, Nhóm Nghiên cứu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm thêm một số chủ trương lớn được quy định tại Thông báo số 120 ngày 18/1/2013 và Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, cụ thể: tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất; giảm bớt hình thức cấp Nhà nước, nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng, khen thưởng bảo đảm chính xác, không trùng lắp, chồng chéo; tập trung hướng về cơ sở, chú trọng khen thưởng cơ sở nhỏ, quan tâm đến các cơ sở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.
Góp ý về dự thảo Luật, một số đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung các danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” (Điều 27 dự thảo Luật) với lý do các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, Điều 27 trùng lặp với các tiêu chí đạt danh hiệu nông thôn mới trong bộ tiêu chí quốc gia về đạt tiêu chuẩn “xã nông thôn mới” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2026. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung của dự án Luật có liên quan đến một số Luật hiện hành như Luật Di sản văn hóa, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Luật Khoa học công nghệ, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng… Do đó, cần tiếp tục rà soát nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự án Luật.
Theo Báo điện tử Đại biểu nhân dân