Nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Văn phòng Quốc hội
11/10/2021 - 09:35

TĐKT - Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, chậm đổi mới, kém hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Nhằm đảm bảo công tác cán bộ phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; đồng thời, thí điểm đổi mới trong việc đánh giá cán bộ “đủ đức, thực tài”; mới đây ngày 30/9/2021, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội đã ban hành văn bản số 378 HD/ĐU về việc hướng dẫn (tạm thời) về quy trình giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý cấp Tổng cục, cấp Vụ hoặc tương đương của Văn phòng Quốc hội.

Văn bản này cho thấy, ngoài những tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng và Nhà nước thì còn một số tiêu chuẩn mới, riêng được thí điểm nhằm nâng cao chất lượng của cán bộ lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.

Liên quan tới vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho hay, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã kết thúc tốt đẹp và thống nhất cao ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Điều mới tại Hội nghị Trung ương lần này là đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới. Như vậy, văn bản của Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội mới ban hành là rất phù hợp với tình hình mới.

Ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: “Tôi đã từng phát biểu rằng: “Tôi mong muốn rằng, Chính phủ phải là một Chính phủ sáng tạo, hành động; Quốc hội phải là một Quốc hội “nhân văn” - đỉnh cao của quyền lực nhân dân; còn cơ quan tư pháp, đặc biệt là Toà án là biểu tượng - hiện thân của công lý. Quốc hội là đỉnh cao quyền lực của nhân dân và như tôi cũng đã phát biểu: “Trong kết quả thắng lợi của Chính phủ, Tòa án, Kiểm sát, Kiểm toán, hoạt động của Chủ tịch nước đều có bóng dáng, công lao, sự cố gắng của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội”. Chính vì vậy công tác cán bộ của Quốc hội là vô cùng quan trọng!”.

Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn nói, nhiều cán bộ, lãnh đạo hiện nay có lối sống ích kỷ, thực dụng, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Như chúng ta đã biết, thời gian qua Trung ương đã kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và hơn 70.000 đảng viên vi phạm, có cả những người giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đương chức hoặc đã nghỉ hưu...

Việc chạy chức, chạy quyền từ ngày xưa và đến bây giờ vẫn vậy; nó luôn là một chủ đề nóng hổi, xảy ra ở mọi nơi và kể cả tại Quốc hội cũng không là ngoại lệ. Thời gian qua xảy ra một loạt các vụ “nâng đỡ không trong sáng” tại các địa phương như Quảng Nam, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc…Báo chí vào cuộc phản ánh và cơ quan chức năng đã phải vào cuộc xử lý.

Vị Tiến sĩ luật khẳng định, việc Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội ban hành văn bản về việc hướng dẫn (tạm thời) về quy trình giới thiệu bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý cấp Tổng cục, cấp Vụ hoặc tương đương của Văn phòng Quốc hội trong giai đoạn “bình thường mới” hiện nay là vô cùng cần thiết; nó thể hiện tính trách nhiệm cao trong việc “đặt” quyền lực nhân dân vào những cán bộ có “đủ đức, thực tài”.

“Từng tham gia hoạt động nghị trường, nay vẫn tiếp tục làm cán bộ của Quốc hội, trong hướng dẫn này, tôi nhận thấy có một số điểm mới tại tiêu chuẩn bổ nhiệm Vụ trưởng và tương đương; Tổng Biên tập báo Đại biểu Nhân dân; Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội nhằm đánh giá sâu sát cũng như tránh chuyện “nâng đỡ không trong sáng” cán bộ” - ông Nhưỡng chia sẻ thêm.

Vị Tiến sĩ luật phân tích, ngoài những tiêu chuẩn chung, văn bản này đã chi tiết hóa những cán bộ được giới thiệu, bổ nhiệm này phải có đủ những năng lực như tham mưu, tổ chức, đề xuất, đánh giá, phân tích, tổng kết, quản trị, cải cách hành chính…; phải nắm vững đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, phải am hiểu tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và thế giới.

Đặc biệt là quy định về kinh nghiệm công tác, theo đó các cán bộ được giới thiệu, bổ nhiệm phải có kinh nghiệm công tác 3 năm đảm nhiệm và hoàn thành tốt chức vụ Phó Vụ trưởng hoặc tương đương… trừ trường hợp đặc biệt (Theo quy định của Đảng, trường hợp đặc biệt ở đây là nhân sự duy nhất không có người thay thế). Đây là một quy định quan trọng đòi hỏi một năng lực thực sự của cán bộ được tổ chức nhìn nhận, đánh giá và tín nhiệm.

Những quy định này sẽ là "barrie" cho những người muốn giúp đỡ “không trong sáng” và những người muốn tìm cách “leo cao không trong sáng” - Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Tố Quyên