Việt Nam giữ thứ hạng trung bình trên bảng xếp hạng kỹ năng tiếng Anh toàn cầu
14/11/2018 - 15:21

TĐKT – Sáng 14/11, tại Hà Nội, tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First họp báo chia sẻ thông tin về Bảng xếp hạng đánh giá kỹ năng tiếng Anh của những người trưởng thành trên toàn cầu.

Trước đó, ngày 30/10, Bảng xếp hạng này đã được EF công bố chính thức, dựa trên cơ sở dữ liệu 1,3 triệu người sử dụng tiếng Anh là ngoại ngữ ở trên 88 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 8 quốc gia so với năm 2017).  Báo cáo Chỉ số thông thạo Anh ngữ của EF (EF EPI) dựa trên kết quả Bài kiểm tra tiếng Anh tiêu chuẩn của EF, bài kiểm tra chuẩn hóa Anh ngữ miễn phí diện rộng của EF đã được hàng nghìn trường học, doanh nghiệp và chính phủ trên toàn cầu sử dụng.

Chia sẻ thông tin về Bảng xếp hạng đánh giá kỹ năng tiếng Anh của những người trưởng thành trên toàn cầu

TS. Minh Trần, Giám đốc Nghiên cứu và Học thuật EF Education First cho biết: “Chỉ số EF EPI chỉ ra rằng các quốc gia và các cá nhân tiếp tục đầu tư vào việc đào tạo tiếng Anh do nhận thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh”.

Ông cũng cho biết thêm: “EF EPI đã trở thành nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho chính phủ, các doanh nghiệp và người học khi thảo luận về việc nâng cao trình độ Anh ngữ”.

Đây là lần thứ 4 trong vòng 8 năm, Thụy Điển xếp hạng cao nhất trong EF EPI. Hà Lan, quốc gia xếp hạng cao nhất vào năm ngoái, năm nay xếp vị trí thứ hai. Việt Nam xếp thứ 41 trên tổng số 88 nước với chỉ số thông thạo Anh ngữ ở mức trung bình.

Châu Âu vẫn dẫn đầu thế giới về mức độ thông thạo Anh ngữ, với 8/10 quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng. Singapore trở thành quốc gia châu Á đầu tiên lọt vào top 3 bảng xếp hạng. Tuy nhiên, các quốc gia trong châu Á có sự phân hóa lớn về trình độ. Việt Nam xếp thứ 7 trong tổng số 21 quốc gia châu Á tham gia khảo sát.

Châu Phi thể hiện sự tiến bộ về sự thông thạo Anh ngữ hơn những châu lục khác, với Algeria, Ai Cập và Nam Phi tăng từ 2 điểm trở lên.

Châu Mỹ La tinh là châu lục duy nhất có chỉ số thông thạo Anh ngữ giảm nhẹ. Điểm số giữa các quốc gia khá đồng đều, chỉ có khoảng cách nhỏ giữa các quốc gia trong khu vực.

Đối với Việt Nam, giai đoạn từ 2011 – 2015, mức tăng trưởng rõ rệt qua từng năm. Việt Nam đã đi từ mức “rất thấp” đến “thấp” và giữ ở mức độ “trung bình” từ năm 2016. Trong năm 2018, báo cáo mở rộng phạm vi đánh giá trên 5 tỉnh, thành là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ thay vì 2 thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như các năm trước.

Nếu so sánh trên cùng phạm vi (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) so với năm 2017, mức độ thông thạo tiếng Anh của Việt Nam tăng từ 54,6 lên 55,45 điểm. Điều này cho thấy đã có sự tiến bộ trong việc học tiếng Anh ở Việt Nam năm nay so với năm trước.

Theo bà Cao Phương Hà, Giám đốc điều hành EF Việt Nam, giáo dục Việt Nam đã có những đổi mới về chính sách và phương thức triển khai dạy tiếng Anh. Tuy nhiên, để nâng cao hơn trình độ Anh ngữ, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tích cực hơn nữa trong những năm tiếp theo.

“Trong thời đại 4.0 với những bước nhảy vọt về công nghệ và phát triển, ngôn ngữ là điều kiện tiên quyết để tiếp cận với văn minh nhân loại. Vì vậy, giáo dục không nên coi tiếng Anh như một môn học mà là ngôn ngữ bắt buộc cần thiết cho việc phát triển và hội nhập” – bà Hà nhận định.

Phương Thanh