Từ năm học 2019 – 2020, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo hệ Đại học chính quy theo hệ thống tín chỉ
07/08/2019 - 14:44

TĐKT - Sáng 7/8, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố Chương trình đào tạo hệ Đại học chính quy theo hệ thống tín chỉ và triển khai công tác đào tạo năm học 2019 - 2020.

Hội nghị do GS.TS. Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng chủ trì. Dự Hội nghị có TS. Đỗ Quế Lượng - Phó Hiệu trưởng Thường trực, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị; Chủ nhiệm các khoa cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị và phòng ban chức năng trong trường.

GS.TS. Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Huy Thuyết

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS. Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Đào tạo theo hệ thống tín chỉ nhằm mục đích điều chỉnh cơ cấu chương trình cho phù hợp yêu cầu đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, nội dung một số học phần cho sát với yêu cầu mới của thị trường lao động trong xu thế hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư để xây dựng cơ sở pháp lý cho quy trình quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ, đáp ứng yêu cầu kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua đó, góp phần khẳng định thương hiệu cũng như uy tín của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Trước đó, căn cứ Quyết định số 1055/QĐ-BGH-ĐT ngày 25/01/2019 của Hiệu trưởng ban hành Quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ, Phòng Quản lý Đào tạo đã hướng dẫn các khoa xây dựng chương trình đào tạo cho 27 ngành; thành lập 27 Hội đồng thẩm định (bao gồm 1 Phó Hiệu trưởng làm Chủ tịch Hội đồng, 2 phản biện); gửi văn bản xin ý kiến các thành viên các thành viên trong Hội đồng khoa học trường theo 4 tiểu ban (kinh tế và quản lý, kỹ thuật, ngôn ngữ, sức khỏe) và nhận được sự nhất trí của các thành viên Hội đồng.

Hội nghị có sự tham gia của Ban Chủ nhiệm Khoa, đại diện lãnh đạo các đơn vị, phòng ban chức năng trong toàn trường. Ảnh: Huy Thuyết

Hội nghị đã thông qua một số nội dung chính sau: Số lượng tín chỉ tối đa đối với khối ngành kinh tế và quản lý là 137 tín chỉ (TC); khối ngành ngôn ngữ là 145 TC; khối ngành công nghệ và kỹ thuật cấp bằng kỹ sư là 155 TC, cấp bằng cử nhân là 145 TC, riêng ngành cử nhân quản lý công trình đô thị là 137 TC. Đối với phần kiến thức giáo dục đại cương, nhà trường bố trí 19 TC đối với tất cả các ngành.

Về phần kiến thức bổ trợ, đối với khối kinh tế, quản lý, ngôn ngữ được bố trí 32 TC, trong đó: Môn Ngoại ngữ là 20 TC; môn Tin học là 10 TC; môn Kỹ năng giao tiếp là 02 TC. Đối với khối ngành công nghệ kỹ thuật và sức khỏe: Môn ngoại ngữ bố trí 12 TC; môn Tin học là 10 - 14TC; môn kỹ năng giao tiếp sẽ được bố trí theo nhu cầu sử dụng của từng ngành.

Tại Hội nghị, phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp cũng được trình bày cụ thể, giúp chủ nhiệm các khoa, đại diện lãnh đạo các đơn vị, phòng ban chức năng trong trường hiểu rõ hơn các nhóm kiến thức sẽ được triển khai trong thời gian tới. Trong đó:

Nhóm kiến thức cơ sở: Chỉ bố trí các học phần bắt buộc, không bố trí học phần tự chọn. Các học phần trong nhóm này đều là học phần tiên quyết đối với các học phần nằm trong kiến thức ngành và chuyên ngành.

Nhóm kiến thức ngành có hai loại học phần là bắt buộc và tự chọn. Phòng Quản lý Đào tạo hướng dẫn các khoa xây dựng các học phần tự chọn chiếm khoảng 10 - 15% tổng số tín chỉ của phần kiến thức ngành. Riêng các ngành thuộc khối sức khỏe, do đặc thù của ngành nên tạm thời chưa bố trí học phần tự chọn. Trong nhóm kiến thức ngành, các học phần tự chọn, đồng thời là các học phần tương đương có thể thay thế lẫn nhau khi sinh viên chuyển đổi ngành học hoặc khi phải thi lại để tích lũy cho đủ số tín chỉ cần thiết.

Nhóm kiến thức chuyên ngành: Phòng Quản lý Đào tạo hướng dẫn các khoa xây dựng mỗi ngành nên có ít nhất 2 chuyên ngành cho sinh viên lựa chọn, trong đó mỗi chuyên ngành chỉ nên bố trí 10 - 12 TC. Tuy nhiên do đặc thù của ngành nên một số ngành chỉ bố trí 1 chuyên ngành như: Ngân hàng, thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, quản lý tài nguyên và môi trường, y đa khoa, điều dưỡng và răng hàm mặt.

Nhìn chung, chương trình đào tạo của các ngành về cơ bản vẫn lấy khung chương trình ban hành năm 2016 làm cơ sở, không thay đổi tên chuyên ngành đào tạo khác với mã ngành đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trừ trường hợp đổi tên 1 chuyên ngành “Quản lý kinh doanh” thành “Quản trị kinh doanh” theo như Bộ phê duyệt vào năm 2016. Đồng thời, chương trình đào tạo của 27 chuyên ngành bảo đảm tính khoa học, tính kế thừa, sát với yêu cầu của thị trường lao động và theo đúng quy chế đào tạo theo tín chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thu Hương