TĐKT – Mỗi cơn lũ qua đi đều để lại những hậu quả nặng nề. Huyện Ðà Bắc (tỉnh Hòa Bình) nơi xảy ra thảm họa lũ quét hồi tháng 10/2017 hứng chịu không ít thiệt hại về người và tài sản, chính quyền và nhân dân nơi đây đang gồng mình khắc phục hậu quả của bão lũ gây ra. Công tác tái định cư, sớm ổn định đời sống cho hơn 200 hộ dân trước Tết Nguyên Đán này đang là yêu cầu bức thiết, là ưu tiên hàng đầu của các cấp chính quyền địa phương.
Đùm bọc dân, tạo sợi dây kết nối bền chặt
Người xưa từng có câu "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", có thể nói, cơn lũ lịch sử ghé qua địa bàn huyện Đà Bắc hồi tháng 10/2017 vừa là nỗi sợ kinh hoàng đối với mỗi cán bộ chính quyền và người dân nơi đây, nhưng cũng đồng thời là cơ hội để Đảng, Nhà nước, chính quyền và nhân dân sát gần nhau hơn, thể hiện sự quan tâm, đùm bọc, sự tin tưởng lẫn nhau, tạo nên sợi dây kết nối bền chặt.
Bác Hồ từng căn dặn những người cán bộ, đảng viên phải “Luôn luôn yêu dân, kính trọng, gần dân, giúp đỡ, bảo vệ dân và sẵn sàng đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của nhân dân”. Bài học đó đã và đang được đảng bộ, chính quyền huyện Đà Bắc khắc ghi và áp dụng hiệu quả trong thực tiễn ở địa phương những ngày trước, trong và sau bão lũ.
Dù đã hơn hai tháng cơn bão ghé qua, nhưng với ông Bàn Văn Sự, xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc vẫn vẹn nguyên những ký ức. “Trận lũ hồi tháng 10 ghé qua đây khiến nhà cửa, làng bản bị xóa sạch, hệ thống đường sá bị chia cắt nghiêm trọng, trường học, trạm y tế bị hư hỏng hoàn toàn, mấy chục hộ dân chúng tôi phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất… Nhưng ngay lập tức, lãnh đạo chính quyền tỉnh Hòa Bình và huyện Đà Bắc đã kịp thời có mặt, liên tục sử dụng hệ thống thuyền đi dọc lòng hồ Hòa Bình thay thế đường bộ để kịp thời cung cấp hàng cứu trợ cho bà con nhân dân” - ông Sự nhớ lại.
Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Nguyễn Văn Dũng liên tục có mặt kịp thời chỉ đạo công tác tái định cư xóm Bãi Lau.
Ông Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa vẫn còn nhớ như in không khí đùm bọc, đầy tình người trong những ngày mưa lũ, giá rét đó. Vì địa bàn xã rất xa trung tâm huyện nên những chuyến thực phẩm tiếp tế cho người dân vừa cập bến thì trời đã sang chiều, cán bộ và người dân đều đã ngấm đói, ngấm lạnh. Họ cùng nhau chia sẻ những nắm xôi, chiếc bánh ân tình, tạo nên sợi dây gắn kết bền chặt giữa chính quyền và nhân dân, góp phần xua tan sự khắc nghiệt của cơn bão.
Mặc dù xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa chỉ là 1 trong số những địa phương hứng chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão trên địa bàn huyện Đà Bắc. Nhưng với tinh thần coi dân như con, dù là xóm ít dân hay nhiều, dù xã lớn hay xã bé, địa bàn xa hay gần, lãnh đạo huyện Đà Bắc đã nhanh chóng chỉ đạo và phân chia nhau đi các ngả, kịp thời tiếp cận, chia sẻ, hỗ trợ bà con về mọi mặt.
Đặc biệt, sau cơn lũ 3 ngày, phát hiện có nhiều vết nứt to bất thường xuất hiện trong những ngôi nhà còn lại sau siêu bão, người dân xóm Lau Bai hết sức bàng hoàng, lo sợ. Vừa gồng mình chống chọi với cơn bão, giờ người dân tiếp tục đối mặt với nguy cơ sạt lở.
Khu nhà bạt dã chiến của người dân ở khu tái định cư xóm Bãi Lau
Lo cho dân, vượt qua những trở ngại của địa hình vùng núi hiểm trở ngày bão, chính quyền các cấp đã cử cán bộ kịp thời đến trấn an tinh thần, chia sẻ với bà con; đồng thời tiến hành kiểm tra địa chất, nghiên cứu tìm kiếm khu vực an toàn để bà con lánh nạn. Công cuộc xây dựng vùng tái định cư cho bà con bắt đầu diễn ra.
Sau khi khảo sát, khu vực Ðồi Lim, thuộc xóm Bãi Lau, xã Vầy Nưa với diện tích 4 ha làm được lựa chọn làm địa điểm để vận động các hộ dân dời đến, thoát khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, huyện chỉ đạo dùng máy móc thiết bị để san hạ mặt bằng tạm thời và đề nghị tỉnh, bộ quốc phòng phối hợp, hỗ trợ 33 nhà bạt làm nhà cho dân ở tạm.
Gắn với đó, huyện chủ động huy động các nguồn lực, tổ chức, cá nhân, trong ngoài nước, các tỉnh bạn hỗ trợ về lương thực, thực phẩm. Vì vậy, bà con luôn có đủ lương thực thực phẩm để đảm bảo sinh hoạt từ đó đến nay.
Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Nguyễn Văn Dũng khẳng định: Trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, việc giúp đỡ, đùm bọc nhân dân là trách nhiệm, nghĩa vụ mà chính quyền địa phương luôn đặt lên hàng đầu.
Phát huy tính dân chủ ở cơ sở
Đà Bắc vốn là một huyện nghèo (với hơn 42% hộ nghèo), có địa bàn dân cư phân bố rộng, trình độ dân trí không đồng đều, đa dạng các dân tộc và phong tục tập quán. Sau cơn bão, trên địa bàn huyện hiện có 5 khu tái định cư tập trung và 1 khu tái định cư xen ghép. Khu tái định cư thuộc xóm Bãi Lau là một trong số đó.
Thời điểm Tết Nguyên đán chỉ còn hơn 1 tháng nữa, cũng là lúc huyện Đà Bắc – đơn vị chủ đầu tư dự án tái định cư xóm Bãi Lau bàn giao nhà ở cho người dân theo kế hoạch, nhưng nhiều thứ vẫn đang dở dang. Đến nay, đơn vị thi công đang san hạ mới được khoảng hơn 40 % mặt bằng, người dân vẫn đang sống tạm ở những lán trại dã chiến. Học sinh hai cấp mầm non và tiểu học được ưu tiên học tập và sinh hoạt trong một ngôi nhà gỗ của người dân rộng chừng 30 m2, không có cửa và tường bao kín, rất lạnh lẽo trong tiết trời miền bắc có gió mùa…
Trước thực trạng này, các hộ gia đình cùng đại diện chính quyền xã, huyện, đơn vị nhà thầu và đơn vị thi công đã nhiều lần cùng nhau ngồi lại bàn bạc, thống nhất lại phương án cuối cùng đi đến hoàn thiện nhà ở cho dân.
Cuộc họp giữa các hộ gia đình cùng đại diện chính quyền xã, huyện, đơn vị nhà thầu và đơn vị thi công thường xuyên diễn ra để thống nhất đi đến hoàn thiện nhà ở cho dân
Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa Bùi Văn Kỳ cho biết: Trong vòng chưa đầy 2 tháng, đích thân đồng chí Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng đã 7 lần vào tận xóm để nắm bắt tình hình thực tế cuộc sống của bà con; đồng thời gặp gỡ, lấy ý kiến nhân dân về phương án di dời, xây nhà ở. Mọi kiến nghị của bà con đều được đồng chí Chủ tịch huyện quan tâm, khắc phục trong các phương án thi công, theo hướng “Nhà xây cho bà con ở thì bà con phải là người được quyết định, chậm một chút nhưng bà con được thoải mái, hài lòng thì tốt hơn”.
Tại cuộc họp với nhân dân lần thứ 7 diễn ra vừa qua, hai bên chính quyền và các hộ dân đã đi đến thống nhất phương án điều chỉnh thi công, thiết kế nhà ở cuối cùng. Chủ tịch UBND huyện đã cẩn thận chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đối tượng. Đối với các đơn vị thi công, nhà thầu dù công tác san lấp mặt bằng gặp không ít khó khăn; vốn triển khai chưa được cung ứng kịp thời nhưng nhất định phải đẩy nhanh tiến độ để bàn giao mặt bằng trước 1 tháng cho bà con. Đối với các hộ gia đình, trên cơ sở bốc thăm vị trí nhà ở và số tiền hỗ trợ của nhà nước, bà con cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng khung, kèo, cột và vật liệu cần thiết để khi được đơn vị thi công bàn giao mặt bằng là tiến hành dựng nhà để sớm vào ở.
Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Nguyễn Văn Dũng cho biết: Sau khi ổn định cuộc sống cho bà con tại nơi ở mới, chúng tôi có một hướng đi mới đó là tái thiết lại cơ cấu kinh tế của huyện, làm sao cho phù hợp với truyền thống, đặc thù đảm bảo được phát triển kinh tế - xã hội cho người dân nhất. Dự kiến, huyện còn quy hoạch nơi đây sẽ là vị trí đắc địa để khai thác du lịch cộng đồng. Như vậy, tại nơi ở mới, người dân sẽ có nghề, có việc làm để phát triển.
Vui mừng trước những quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo chính quyền các cấp, ông Lý Văn Phúc, một người dân trong xóm cho biết: "Chúng tôi rất vui và tin tưởng vào sự lãnh đạo của huyện. Không chỉ tìm được nơi ổn định về địa chất cho bà con chúng tôi “an cư” mà đây còn là điểm thuận lợi cho việc sản xuất, canh tác nuôi cá lồng theo nghề truyền thống của bà con. Sắp tới, người dân chúng tôi tại nơi ở mới, sẽ có nghề, có việc làm để phát triển”
Tin rằng, với sự khẩn trương, nỗ lực, dân chủ của chính quyền các cấp cùng với ý thức chung tay của người dân nơi đây, xóm Bãi Lau sẽ sớm ổn định, nhân dân được vui vẻ đón Tết Nguyên đán cổ truyền trong tình yêu thương đùm bọc của Đảng, Nhà nước và nhân dân khắp cả nước.
Sen Thảo