Những chiến sĩ trong cộng đồng chống lao
30/11/2021 - 22:00

TĐKT - Bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền qua đường không khí, đồng thời là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng. Tất cả mọi người trong cộng đồng đều có thể mắc lao, nếu không biết cách phòng bệnh hợp lý. Vì vậy, việc phát hiện sớm để điều trị bệnh lao không chỉ giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh mà còn hạn chế sự lây lan căn bệnh này trong cộng đồng.

Thay đổi nhận thức cộng đồng về bệnh lao

Thấu hiểu những mặc cảm của người mắc bệnh lao, trong nhiều năm qua Chu Thái Sơn - Nhóm cộng đồng Câu lạc bộ Niềm tin Hải Dương (NTHD) không ngần ngại đi gõ cửa từng nhà để vận động và tuyên truyền những kiến thức cơ bản về phòng, chống lao. Đặc biệt, để có tiền hoạt động và hỗ trợ cho những bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn, Sơn đã không ngần ngại lấy số tiền ít ỏi từ đi làm đồng đẳng viên cho các dự án (hơn 1 triệu đồng/tháng) để chi cho các hoạt động của Câu lạc bộ.

Sơn chia sẻ: “Bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền qua đường không khí và tỷ lệ tử vong cao. Việc phát hiện sớm để điều trị bệnh lao không chỉ giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh mà còn hạn chế sự lây lan căn bệnh này trong cộng đồng. Chính vì vậy, mình luôn tự nhủ làm sao truyền tải và hỗ trợ được nhiều nhất cho những người mắc bệnh lao. Đôi khi chỉ là việc cung cấp chút kiến thức, thông tin mình có được cũng giúp bệnh nhân lao có cơ hội chữa bệnh kịp thời nhất”.

Với quyết tâm đó, từ năm 2014 đến nay, Sơn cùng các thành viên trong Câu lạc bộ NTHD đã hỗ trợ hàng nghìn bệnh nhân lao tại Hải Dương. Đáng nói là, trong số này có không ít bệnh nhân có tiền sử nghiện ma túy, làm gái mại dâm…

Cán bộ y tế phát thuốc chống lao cho bệnh nhân lao

Chia sẻ về quá trình đi làm đồng đẳng viên, Sơn cho biết, người sử dụng ma túy luôn là nhóm có nguy cơ cao bị lây nhiễm và mắc bệnh lao. Các rào cản điều trị, bao gồm tuân thủ điều trị kém và hạn chế trong tiếp cận dịch vụ y tế, đặt ra những thách thức riêng cho người sử dụng ma túy, nhưng cũng có thể khắc phục được.

“Việc không tuân thủ điều trị là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến kháng thuốc (có nghĩa là một số loại thuốc được sử dụng ban đầu sẽ không còn khả năng chống lại vi khuẩn lao trong cơ thể), những người sử dụng ma túy cần được cung cấp dịch vụ y tế đầy đủ, hướng tới duy trì kết quả tích cực. Để điều trị lao thành công, trước tiên cần nắm rõ ảnh hưởng của bệnh nghiện đến tổng thể quá trình chữa lao, tương tác giữa thuốc lao và thuốc điều trị nghiện, cũng như nắm vững các nguyên tắc điều trị bệnh nghiện” – anh Chu Thái Sơn cho biết.

Cần có cơ chế hỗ trợ nhóm hoạt động vì cộng đồng

Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, đồng nghĩa có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, gần 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Những con số này cho thấy, vai trò của nhóm cộng đồng nòng cốt tham gia phòng, chống lao rất quan trọng.

Tại Hà Giang, mặc dù mạng lưới phòng, chống lao được phủ rộng bao gồm cả trong hệ thống y tế nhà nước và các nhóm cộng đồng chống lao, nhưng theo nhận định của cơ quan chuyên môn, tình hình dịch tễ bệnh lao tại tỉnh vẫn chưa có xu hướng giảm về số ca mắc mới. Hàng năm, các cơ sở y tế phát hiện và thu nhận điều trị trên 500 ca bệnh lao các thể, chiếm khoảng 0,07% dân số, tương đương 66/100.000 dân.

Bên cạnh đó, kết quả điều trị và quản lý bệnh nhân chưa đạt mục tiêu đề ra: Năm 2019, 2020 tỷ lệ điều trị khỏi đối với bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát chỉ đạt 70 – 75% và nguồn lây trong cộng đồng còn cao. Nguyên nhân do tỷ lệ phát hiện thụ động thấp, ý thức của người dân về bệnh lao chưa cao, tỷ lệ bệnh nhân bỏ trị, không theo dõi được còn cao; tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao kháng đa thuốc còn thấp. Ngoài ra, các chương trình hoạt động về lao tiềm ẩn và lao trẻ em triển khai còn chậm do đối tượng trẻ em khó tiếp cận; trẻ nhỏ từ 0 – 4 tuổi gặp nhiều khó khăn trong việc dùng thuốc, gia đình thiếu hợp tác, còn lao tiềm ẩn ở người lớn chưa có kinh phí triển khai thực hiện…

Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Hà Giang mà còn là câu chuyện chung của nhiều địa phương hiện nay trong công tác phòng, chống bệnh lao. Chính vì vậy, việc nhân rộng và phát triển các Câu lạc bộ nòng cốt tham gia vào công tác phòng, chống lao là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Bênh lao đang dần trẻ hóa và là một vấn đề của sức khỏe cộng đồng, cần thiết có những chương trình can thiệp hiệu quả. Cần phối hợp rộng rãi các cơ sở y tế công – tư, hướng tới các chuẩn về phát hiện, chẩn đoán ngay từ đầu và đưa vào điều trị, quản lý ngay sau khi có kết quả chẩn đoán xác định bệnh lao. Người lạm dụng ma túy có tỷ lệ mắc bệnh lao khá cao, họ có các yếu tố nguy cơ chung trong môi trường và xã hội, cũng như tác nhân gây bệnh do sức khỏe thể chất và tinh thần. Cả việc lạm dụng ma túy và bệnh lao trước giờ đều mang một kỳ thị xã hội đáng kể, nên với các cơ quan có trách nhiệm nói riêng và cả xã hội nói chung, việc quản lý tổng hợp cả hai đối tượng đều rất quan trọng, cần phải sàng lọc và can thiệp sớm.

Việc điều trị còn nhiều thách thức, khi kê đơn thuốc chữa lao, các bác sĩ lâm sàng phải biết và theo dõi các tác dụng phụ về tâm thần, bao gồm cả việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (methadone/buprenorphine) và những yếu tố phải nghiên cứu thêm.

Đồng thời, cần tăng cường truyền thông nâng cao thay đổi nhận thức, thái độ hành vi của người dân chủ động phòng, chống cho chính mình và mọi người trong cộng đồng; phát hiện bệnh sớm trong cộng đồng; tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động phòng, chống bệnh lao, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Lao là một bệnh truyền nhiễm và bất cứ ai cũng có thể mắc phải nếu sức đề kháng của cơ thể kém. Việc sớm nhận biết những triệu chứng mắc bệnh lao phổi trong giai đoạn đầu sẽ giúp kiểm soát bệnh dễ dàng hơn. Khi có các dấu hiệu như ho và khạc đờm trên 3 tuần; đau tức ngực, khó thở; gầy, sụt cân; sốt về chiều; mệt mỏi, chán ăn; đổ mồ hôi đêm là dấu hiệu rất phổ biến của người mắc lao.

L.H