Nhiều hoạt động phong phú trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS
10/11/2023 - 17:40

BTĐKT - Chiều 9/11, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) gặp mặt báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12.

Với chủ đề "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030", Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 được tổ chức nhằm huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo hiểm y tế. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Gặp mặt báo chí thông tin về chương trình

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS sẽ diễn ra với nhiều hoạt động phong phú.Ở cấp trung ương, có 3 sự kiện lớn: Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS diễn ra ngày 25/11/2023 tại TP Hải Phòng; Hội nghị khoa học ANRS - MIE ngày 15 - 16/11 tại TP Hải Phòng; Hội thảo đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS ngày 21/11 tại Cần Thơ và ngày 5/12 tại Thanh Hóa.

Các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động truyền thông: Giải chạy trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS; ra mắt nhạc kịch về Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và hành trình PEPFAR 20 năm; Đêm nhạc "Hy vọng màu đỏ"; Tọa đàm và hội thảo xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cho phụ nữ có H và phụ nữ thuộc nhóm KPs; sự kiện "Sống trọn vẹn" gồm hội thảo, tọa đàm về sáng kiến của cộng đồng trong dự phòng HIV trong thanh thiếu niên; Hội nghị tổng kết chiến dịch tự xét nghiệm; tập huấn cho cán bộ y tế của phòng khám ngoại trú về dự phòng và điều trị bệnh lao, đặc biệt là lao/HIV...

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện tại ở Việt Nam có gần 250 nghìn người nhiễm HIV trên toàn quốc, đã đưa vào quản lý được 231 nghìn người. Ca nhiễm phân bổ tập trung ở các tỉnh phía nam, trong đó 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo PGS. TS.Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 rất cần sự chung tay của cả động đồng. Những người có hành vi nguy cơ cao cần được xét nghiệm sớm để đưa vào điều trị, sử dụng thuốc ARV (hiện thuốc ARV được BHYT chi trả). Đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm. Đặc biệt, ngoài tuyên truyền vận động sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không an toàn, cần tăng cao truyền thông để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV…

Bình Nguyên