TĐKT - Chiều 14/11, tại Hà Nội, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc phối hợp cùng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị và giao thông thông minh.
Dự Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam Phan Thị Mỹ Linh; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam Kim Do Huyn, các diễn giả đến từ Việt Nam và Hàn Quốc cùng phóng viên các báo, đài.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon cho biết: Đô thị hóa như là xu hướng tất yếu của nhân loại cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Xây dựng và phát triển đô thị phải hướng đến những giá trị chung toàn cầu, đó là những mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển và hoàn thiện của đô thị, đô thị và giao thông thông minh chính là giải pháp hữu hiệu nhất.
Hàn Quốc với tư cách là một trong những quốc gia đi đầu châu Á về phát triển mô hình đô thị thông minh trong chiến lược xây dựng Quốc gia thông minh có nhiều thành công trong quy hoạch, quản lý giao thông, quản lý cư dân... có thể chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm thực tiễn quý báu.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng Việt Nam, đến năm 2017, toàn quốc có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa vào khoảng 37,5%. Trong đó, có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có dân số đô thị chiếm xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc.
Bất cập lớn nhất của quá trình đô thị hóa là tốc độ phát triển hạ tầng thường không theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Hệ lụy của nó là nạn kẹt xe, tai nạn giao thông, môi trường bị ô nhiễm...
Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn và hữu ích trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị thông minh.
Đại diện chuyên gia hai nước đã trao đổi, thảo luận về các chủ đề: Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam; xu hướng quy hoạch và phát triển đô thị thông minh; xây dựng chính quyền điện tử và TP Hà Nội thông minh; Trung tâm đô thị thông minh Việt – Hàn hỗ trợ quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh; phát triển TP Hồ Chí Minh thành đô thị giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2025…
Ông Trần Ngọc Linh, Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng Việt Nam cho biết: Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững. Một số đô thị lớn ở Việt Nam đã và đang chủ động triển khai nghiên cứu xây dựng các đề án phát triển đô thị thông minh: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Dương...
Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đề án tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ ưu tiên: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách; thiết lập, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị; nghiên cứu, ứng dụng quy hoạch đô thị thông minh bền vững; thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng; lập, thẩm định, phê duyệt Chương trình, Dự án thí điểm; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Ông Lim Hong Sang, Tổng công ty Đất đai và nhà ở Hàn Quốc chia sẻ: 70 năm qua, Hàn Quốc áp dụng chiến lược phát triển đô thị theo từng giai đoạn tăng trưởng kinh tế để đáp ứng sự gia tăng dân số đô thị. Đô thị hóa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, đô thị mới thế hệ thứ nhất tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thế hệ thứ hai là sự kết hợp của cách mạng công nghệ và dịch vụ. Thành phố tương lai sẽ là nền tảng để thúc đẩy ngành công nghiệp thứ tư. Năm 2018, Hàn Quốc cho ra mắt thương hiệu "Thành phố mọi nơi" (U - City) đầu tiên và duy nhất trên thế giới hội tụ công nghệ ICT và phát triển đô thị.
Ông Lim Hong Sang nhấn mạnh: Mục tiêu phát triển của đô thị thông minh là tạo việc làm, cải thiện cơ cấu công nghiệp, nuôi dưỡng ngành công nghiệp tương lai. Đô thị công nghệ lấy con người làm trung tâm, đáp ứng nhu cầu của con người.
Phương Thanh