TĐKT – Ngày 31/1, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Tại Hội nghị, 7 tập thể tiêu biểu trong công tác ATTP năm 2017 trên địa bàn thành phố đã được tặng Cờ thi đua và Bằng khen của UBND TP Hà Nội.
Năm 2017, công tác ATTP được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc quyết liệt. Ban chỉ đạo công tác ATTP các cấp kịp thời kiện toàn, Ban Chỉ đạo cấp thành phố do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban.
Đặc biệt, để đẩy mạnh phong trào thi đua về ATTP, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 5996/QĐ – UBND ngày 28/8/2017 về việc ban hành Bộ tiêu chí chấm điểm công tác ATTP tại các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội; Quyết định số 8054/QĐ – UBND ngày 20/1/2017 về việc thành lập đoàn đánh giá, chấm điểm công tác ATTP TP Hà Nội năm 2017 và tổ chức triển khai đánh giá, chấm điểm công tác ATTP tại 30 quận huyện, thị xã…
Hội nghị đánh giá kết quả công tác ATTP năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018
Vào các dịp cao điểm về ATTP như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Lễ hội Xuân, Tháng hành động vì ATTP năm 2017, Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn, kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”; phòng, chống ngộ độc Methanol, Tết Trung thu, ATTP mùa mưa bão…
Cùng với đó, Hà Nội xây dựng và triển khai các chương trình, đề án đảm bảo ATTP. Trong đó tiêu biểu là duy trì mô hình cải thiện ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại 198 phường, thị trấn; mô hình điểm thức ăn đường phố; mô hình cảnh báo nhanh về ATTP tại Bắc Từ Liêm; thí điểm tuyến phố tập trung ATTP có kiểm soát tại Thanh Xuân, Long Biên. Đồng thời, phát triển mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi thông qua các chương trình, đề án: Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm sạch, an toàn; triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn bằng công nghệ thông minh…
Đồng thời, thành phố thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giải quyết 15 thủ tục hành chính về ATTP. Năm 2017, cấp mới 5058 Giấy chứng nhận và công bố 3050 sản phẩm, xác nhận hồ sơ quảng cáo và tổ chức hội nghị giới thiệu 102 sản phẩm, xác nhận kiến thức ATTP cho 50.186 người trực tiếp sản xuất, kinh doanh…
Công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP được thành phố đẩy mạnh, đổi mới. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, công tác tuyên truyền về thực trạng công tác ATTP tại các địa phương, phát hiện các cơ sở, cá nhân làm tốt công tác ATTP được đẩy mạnh; đồng thời cũng chỉ rõ các cơ sở vi phạm ATTP trên báo, đài.
Ngoài ra, TP tăng cường tổ chức các hội thảo, hội thi về ATTP; tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ và các hộ nông dân…
Năm 2017, UBND TP Hà Nội khen thưởng 32 tập thể, 32 cá nhân có thành tích trong Tháng hành động vì ATTP và Tháng cao điểm phòng, chống ngộ độc Methanol năm 2017. Tại hội nghị, UBND TP tặng Cờ thi đua cho 2 tập thể và tặng Bằng khen cho 5 tập thể có thành tích trong công tác đảm bảo ATTP.
Chia sẻ tại Hội nghị, một số đại biểu cho rằng, năm 2017, thành phố đã tích cực vào cuộc trong công tác ATTP. Thành phố đã đề ra 7 tiêu chí để đánh giá phong trào thi đua ATTP. Tuy nhiên, số tiêu chí triển khai chưa được nhiều, nhất là tiêu chí lựa chọn mô hình điểm và thanh tra, kiểm tra, xử phạt trong ATTP còn hạn chế.
Năm 2018, thành phố tiếp tục triển khai công tác ATTP một cách mạnh mẽ và hiệu quả, tập trung 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện tiêu chí chấm điểm công tác ATTP quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp được thành phố chú trọng triển khai.
Mai Thảo