Chuyển đổi số ngành Bảo hiểm xã hội đem lại nhiều lợi ích, phục vụ người dân và doanh nghiệp
10/04/2024 - 15:30

BTĐKT - Với quyết tâm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, trong quý I/2024, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả tích cực trong lĩnh vực chuyển đổi số, góp phần kiến tạo, xây dựng ngành BHXH Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại và đem lại lợi ích to lớn cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác để làm giàu các CSDL, phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Chuyển đổi số lĩnh vực BHXH, BHYT đem lại nhiều lợi ích, phục vụ người dân

Kết quả, phối hợp với Bộ Công an kết nối chia sẻ, xác thực, đồng bộ thông tin liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN với CSDL quốc gia về dân cư: Đến nay, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 96 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 87,75 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 97,3% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với CSDL quốc gia về dân cư; phối hợp tích hợp thông tin sổ BHXH trên ứng dụng VNeID, đến nay, đã có hơn 15,4 triệu lượt truy vấn thông tin sổ BHXH thành công để tích hợp lên ứng dụng VNeID.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế: BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc bóc tách, xử lý dữ liệu của các gói tin từ Tổng cục Thuế chuyển sang; thực hiện phân tích, đối chiếu với dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam để lên biểu mẫu gửi BHXH tỉnh, thành phố khai thác.

Kết nối dữ liệu với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Cung cấp tiện ích tra cứu cho cán bộ thuộc các Trung tâm Dịch vụ việc làm trên cả nước để tra cứu các thông tin của người lao động tham gia BHXH như: Trạng thái tại thời điểm tra cứu; trạng thái hưởng chế độ BHXH; tháng dừng đóng gần nhất; tổng thời gian tham gia BHTN chưa hưởng; lương bình quân 6 tháng cuối của lần chốt sổ cuối cùng trong quá trình giải quyết trợ cấp BHTN; phối hợp tích hợp, cung cấp dịch vụ công (DVC) Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng DVC quốc gia. Đến nay, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BHTN cho 379.617 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy
chứng sinh, giấy báo tử từ các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên toàn quốc phục vụ triển khai thác DVC trực tuyến "Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến" và 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông "Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng". Đến nay, trên toàn quốc có 1.240 cơ sở KCB đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 2.512.206 dữ liệu được gửi; có 1.647 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 1.041.818 dữ liệu được gửi; 629 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy báo tử, với 11.087 dữ liệu được gửi. Việc liên thông giấy khám sức khỏe lái xe qua hạ tầng của BHXH Việt Nam giúp người dân có thể đề nghị cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe hoàn toàn trực tuyến (trước đây người dân buộc phải đến nơi cấp giấy phép lái xe để nộp bản giấy của giấy khám sức khỏe lái xe).

Việc liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam đã tạo ra tiện ích rất quan trọng là đầu vào giúp người dân có thể thực hiện DVC trực tuyến toàn trình đối với 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng (trước đây người dân buộc phải đến UBND xã, phường để nộp bản giấy của giấy chứng sinh, giấy báo tử khi làm thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử).

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đã chia sẻ dữ liệu thẻ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh để phục vụ khám chữa bệnh BHYT, bàn giao toàn bộ CSDL hộ gia đình tham gia BHYT cho Bộ Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe; tiếp nhận dữ liệu bảo lưu, dữ liệu thẻ BHYT từ BHXH Bộ Quốc phòng.

Có thể thấy, với nguồn CSDL được cập nhật thường xuyên và hệ thống công nghệ thông tin phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẽ dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam với các bộ, ngành, địa phương giúp chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng quản lý, cải cách, liên thông thủ tục hành chính, góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, đơn vị và doanh nghiệp.

Song Linh